Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương - Thư pháp của HT.Thích Nhất Hạnh |
GN - Tôi học được hạnh lắng nghe trong lần tham dự một khóa tu dành cho người trẻ. Ở đó, tôi nghe quý thầy đọc lời tán thán công hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm, trong đó có một câu thật ấn tượng: “… chỉ cần lắng nghe thôi cũng làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi”.
Từ đó, tôi bắt đầu thực tập lắng nghe người khác bằng cách ngồi hàng giờ để chú ý đến câu chuyện đầy đau khổ của đứa bạn thân, hoặc chịu khó tỉ tê những “điều hay lẽ phải”, vạch một con đường cho một bạn trẻ cần tôi chia sẻ. Không ít người đã “thoát khổ” nhờ sự chăm chú lắng nghe của tôi cũng như khi nhận được “tư vấn” đầy “triết lý” mà tôi dành tặng…
Thế nhưng, khi đến lượt mình thì tôi lại loay hoay, suy nghĩ lung tung lang tang để rồi chính mình cũng hành xử như một người điên, người say. Tôi thấy mình trở thành “bệnh nhân” thật sự và không thể tự chữa trị được cho mình.
Thế là, tôi tìm gặp một người anh lớn trong thực tập Phật pháp, xin anh cùng ngồi xuống để tôi giãi bày, cuối cùng tôi nhận được lời khuyên chân thành từ anh, rằng: “Em đã thiếu cái khâu “lắng nghe chính mình”. Thông thường, ta có thể làm “bác sĩ” trị liệu cho rất nhiều “bệnh nhân” khác nhưng lại chưa chăm sóc được chính mình. Ta chạy theo bên ngoài nhiều mà bỏ quên nội tâm của mình, thiếu lắng nghe những nỗi khổ-niềm đau có mặt nơi tâm mình nên khi “tích đủ lượng” mệt mỏi thì ta liền thấy chênh vênh. Mà, đến lúc đã ngã bệnh mới cuống cuồng chạy chữa thì có khi đã muộn màng. Ông bà mình có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, em nhớ không?”.
Như một bài pháp lành, tôi “sáng” ra và về thưa với Bồ-tát Quán Thế Âm rằng, từ nay con sẽ lắng nghe chính mình, vì mình cũng là chúng sinh, còn tham-sân-si, nên cũng cần “tầm soát” bệnh trong tâm để mà trị liệu. Từ đó, tôi ngộ ra rằng, muốn giúp người thì mình phải khỏe mạnh, lòng mình phải thảnh thơi, nếu không thì lời nói của mình sẽ không đủ trọng lượng để thâu nhiếp tâm người; cũng như mình không đủ khả năng để lắng nghe lâu dài…
Đỗ Thị Hiền
---------------
Bài cộng tác với trang Phật giáo - Tuổi trẻ vui lòng e-mail về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.
Bài cộng tác với trang Phật giáo - Tuổi trẻ vui lòng e-mail về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét